Quá trình phát triển

Khái quát

QUÊ HƯƠNG - CON NGƯỜI - TRUYỀN THỐNG

Huyện Nguyên Bình được thành lập ngày 22 - 8 - 1945. Huyện cách Thành phố Cao Bằng 45 km về phía Tây theo Quốc lộ 34, nằm ở tọa độ địa lý trong khoảng 105° 40’ đến 106° 10’ kinh độ đông và 22° 30’ đến 22° 50’ vĩ độ bắc. Phía Đông huyện giáp các xã Hoàng Tung, Bình Dương, Bạch Đằng (huyện Hoà An); phía Tây giáp xã Huy Giáp (huyện Bảo Lạc) và các xã: Bằng Thành, An Thắng, Xuân La (huyện Pác Nặm, Bắc Kạn); phía Bắc giáp các xã: Yên Sơn, Bình Lãng, Thanh Long (huyện Thông Nông) và các xã Công Trừng, Trương Lương (huyện Hoà An); phía Nam giáp các xã: Bằng Vân, Cốc Đán (huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn) và các xã Nghiên Loan, Bành Trạch, Phúc Lộc (huyện Ba Bể, Bắc Kạn).

Diện tích đất tự nhiên huyện Nguyên Bình là 83.796,18 ha (2014); được chia thành 20 đơn vị hành chính,bao gồm 2 thị trấn: Nguyên Bình, Tĩnh Túc và 18 xã: Minh Tâm, Bắc Hợp, Lang Môn, Minh Thanh, Thái Học, Thể Dục, Triệu Nguyên, Vũ Nông, Ca Thành, Yên Lạc, Mai Long, Phan Thanh, Thành Công, Quang Thành, Tam Kim, Hưng Đạo, Hoa Thám, Thịnh Vượng.

Dân số của huyện có 41.723 (2018) người gồm các dân tộc Dao, Tày, Nùng, Mông, Kinh, Ngái, Hoa .v.v.. Do kiến tạo địa chất, địa hình huyện Nguyên Bình hình thành hai vùng rõ rệt: Vùng núi đá và vùng núi đất. Độ cao trung bình từ 800 mét đến 1.100 mét, thấp dần từ tây sang đông.

Vùng núi đá chạy dài theo hướng tây - tây bắc bao quanh núi đất, nối tiếp nhau thấp dần về phía đông bắc. Từ xã Thành Công, Mai Long, Ca Thành, Yên Lạc, Triệu Nguvên, Minh Thanh, Bắc Hợp nối liền vào dãy núi đá Lam Sơn, Minh Tâm, có nhiều ngọn núi cao trên 1.000 mét. Dãy Toong Tinh (xã Phan Thanh) cao 1.120 mét, núi Tam Luông (xã Thành Công) cao 1.300 mét, núi Phia Oắc (xã Phan Thanh) cao 1.931 mét, quanh năm mây bao phủ. Vùng núi đất, bao gồm nhũng dãy núi ở phía đông và phía đông nam nôi tiếp nhau gợn sóng gối vào thềm núi đá tạo thành thế trụ vững chắc, bức tường ngàn đời che chắn nạn ngoại xâm. Những dãy núi này kéo dài từ xã Hoa Thám, Tam Kim, Lang Môn đến Quang Thành, Thành Công, Thể Dục. Vào những ngày đẹp trời, khi bình minh lên hoặc lúc hoàng hôn buông xuống, từ đỉnh đèo Benle hay đèo Lê A  ngắm nhìn mới thấy cảnh đẹp hùng vĩ của quê hương non nước Nguyên Bình.

 

Xen giữa những dãy núi đá, núi đất là những khu đồi đất nhấp nhô, độ cao dưới 500 mét, có những đồng cỏ xanh như Phja Đén (xã Thành Công), Nà Nu (xã Lang Môn). Núi đồi, đồng cỏ, khoáng sản là những tiềm năng kinh tế của Nhân dân các dân tộc Nguyên Bình.

Hệ thông sông, suốiNguyên Bình gồm ba con sông lớn: sông Nguyên Bình là một nhánh thượng nguồn của sông Bằng bắt nguồn từ Tĩnh Túc chảy qua các xã Thể Dục, thị trấn Nguyên Bình, Minh Thanh, Bắc Hợp ra xã Trương Lương (huyện Hoà An). Sông có dòng chảy lớn, nơi có độ dốc cao như đập Tà Sa, Nà Ngàn xây dựng được 2 trạm thủy điện nhỏ có công suất 850 kW giờ cung cấp cho mỏ thiếc Tĩnh Túc. Sông Nhiên bắt nguồn từ núi Phja Oắc, xã Thành Công chảy qua các xã: Hưng Đạo, Tam Kim, Hoa Thám, Bạch Đằng (huyện Hoà An) là thượng nguồn sông Hiến đến thị xã Cao Bằng hợp lưu với sông Bằng. Sông Năng bắt nguồn từ huyện Bảo Lạc qua xã Bằng Thành (Pác Nặm, Bắc Kạn) chảy qua địa phận xã Mai Long, Phan Thanh, Bành Trạch (Ba Bể, Bắc Kạn). Dọc theo các con sông là những cánh đồng nhỏ hẹp của các xã Thể Dục, Minh Thanh, Bắc Hợp, Tam Kim; cánh đồng Phiêng Pha thuộc xã Mai Long bằng phẳng nguồn nước dựa vào tự nhiên, khi hạn hán thì mất mùa. Ngoài ra, còn có các khu ruộng bậc thang bên đồi núi ở các xã Thành Công, Quang Thành, Thế Dục, những nơi phát triển lúa nương như các xã Hoa Thám, Thịnh Vượng.

Tỷ lệ che phủ rừng năm 2008 đạt trên 50%, có khu vực Phja Oắc - Phia Đén là vườnquốc gia, trong đó diện tích rừng nguyên sinh còn khá lớn. Trong rừng, ngoài các loại gỗ quý như nghiên, lát, sến và các cây trúc, trẩu, hồi, thông là những cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, còn có các loại động vật, thực vật quý hiếm như báo, nai, gấu, khỉ, lợn rừng cùng các loại chim hoạ mi, công, trĩ và các loại lâm thổ sản như: thảo quả, sa nhân, mộc nhĩ, nấm hương, măng trúc, măng mai... Đó là những tiềm năng lớn của rừng núi Nguyên Bình.

Dưới lòng đất có nhiều khoáng sản quý hiếm như: thiếc, sắt, vonfram, titan, vàng... Mỏ thiếc Tĩnh Túc, Bình Đường, Tài Soỏng, Lũng Mười đã được khai thác từ lâu. Các điểm có vàng sa khoáng như Kim Liêu, Kim San (Tĩnh Túc), Lũng Kim (Vũ Nông), Lũng Kim (Thái Học), dọc sông Nhiên từ đầu xã Tam Kim đến cuối xã Hoa Thám, dọc sông Nguyên Bình từ Thể Dục đến Nà Ngàn (Trương Lương, Hoà An); dọc sông Năng đoạn thuộc hai xã Mai Long và Phan Thanh... là những nơi có vàng sa khoáng với hàm lượng cao từ 70 – 90%. Mỏ thiếc Tĩnh Túc là nơi hội tụ người dân ở nhiều nơi đến khai thác vàng và thiếc. Khi thực dân Pháp chiếm đóng đã tiến hành khai thác mỏ thiếc từ năm 1905. Từ đó, mỏ thiếc không còn là nơi tranh chấp giữa các thế lực cát cứ mà rơi vào tay thực dân Pháp độc quyền khai thác.

Là huyện nội địa Nguyên Bình có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đi qua. Quốc lộ 34 từ Khau Đồn, xã Hưng Đạo (Hoà An) qua các xã Lang Môn, Bắc Hợp, Minh Thanh, thị trấn Nguyên Bình, Thể Dục, thị trấn Tĩnh Túc, Vũ Nông, Ca Thành rồi qua huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm. Tuyến đường này trước năm 1958 còn rất nhỏ hẹp, ít ô tô đi lại, phương tiện vận chuyển hàng hoá chủ yếu đi qua các đường mòn. Sau năm 1958, Nhà nước mở rộng và nâng cấp tuyến đường Tĩnh Túc - Bảo Lạc, năm 2000 mở tuyến đường mới qua xã Ca Thành đi Bảo Lạc rút ngắn được 20 km, từ đó xe cộ đi lại ngày một đông, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong vùng từng bước được nâng lên. Quốc lộ 3 chạy ven qua các xã Thịnh Vượng, Hoa Thám xuống xã Bằng Vân (huyện Ngân Sơn). Tỉnh lộ 212 trước đây là con đường huyết mạch từ Hà Nội đi Thái Nguyên, Bắc Kạn đến thị xã Cao Bằng, được nối từ Nà Phặc qua Phúc Lộc (Ba Bể, Bắc Kạn), đi qua trung tâm cụm xã Phja Đén, xã Thành Công, qua đèo Lê A gặp Quốc lộ 34 tại ngã ba Quang Thành. Tuyến Tỉnh lộ 202 dài 18 km đi qua thị trấn Nguyên Bình, xã Tam Kim đến Khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo. Ngoài ra, còn nhiều tuyến giao thông nông thôn được nâng cấp, cải tạo và mở mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao lưu của nhân dân. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hầu hết Nhân dân trong huyện đi lại phải trèo đèo lội suối theo đường mòn. Năm 2000, toàn huyện có 20/20 đơn vị xã, thị trấn có đường ô tô đến trụ sở, nhưng vẫn còn một số xã đi lại khó khăn về mùa mưa.

Nguyên Bình nằm trong vùng khí hậu miền núi nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình là 20°c, nhiệt độ cao nhất là 36,8°c và thấp nhất là 0,6°c. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.670 mm (mức cao nhất là 2.049 mm và thấp nhất là 1.252 mm), độ ẩm không khí bình quân là 82%. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp 5.084 ha, trong đó đất ruộng có 1.323 ha. Đất nương rẫy 2.221 ha. Đồng cỏ 1.150 ha. Đất lâm nghiệp 67.242 ha, cây lương thực chính là lúa mùa và ngô. Chăn nuôi chủ yếu đại gia súc: trâu, bò và ngựa.

Trước Cách mạng Tháng Tám, Nguyên Bình là nơi cu trú của hai vạn đồng bào, gồm các dân tộc Tày, Nùng/ Mông, Dao, Ngái, Hoa; trong đó, đông nhất là dân tộc Dao. Các dân tộc sống xen kẽ với nhau trong các thung lũng hoặc các sườn đồi núi. Các chòm xóm phía sau thường dựa vào các chân núi tạo thế vững chắc, tránh được những luồng gió rét về mùa đông, thoáng mát về mùa hè.

Nguyên Bình được thiên nhiên ưu đãi về nguồn tài nguyên, nhưng trước kia do chưa được đầu tư khai thác nên chưa đem lại giá trị kinh tế cao. Nhân dân các dân tộc sống lam lũ vất vả quanh năm với các chân ruộng bậc thang (trừ một số cánh đồng ven sông, suối, thung lũng bằng phẳng, đồng bào ở một số vùng đó có đời sống khá giả hơn).

Do phương thức canh tác thô sơ, người dân phải lao động cật lực quanh năm mới kiếm được bát cơm manh áo, nhưng vẫn còn thiếu đói trong những tháng giáp hạt. Những năm gặp hạn hán, mất mùa hoặc loạn giặc, thổ phỉ quấy nhiễu, cướp bóc, đời sống nhân dân các dân tộc còn cơ cực hơn, nhân dân phải đào củ mài, hái măng rừng duy trì cuộc sống. Nhà thơ Bàn Tài Đoàn, người con quê hương Nguyên Bình đã ghi lại đời sống những năm xa xưa của dân tộc Dao nói riêng, và các dân tộc huyện Nguyên Bình nói chung qua những vần thơ:

Đã trải bao đời ta cực khổ

Chặt gốc ăn ngọn sống du cư

Mưa hoà gió thuận còn tạm đủ

Gặp năm hạn hán đói bơ vơ.

Dù trong điều kiện vật chất khó khăn, song Nhân dân các dân tộc Nguyên Bình vẫn luôn luôn giữ vững bản sắc dân tộc thật thà, chất phác, sống giản dị, giàu tình cảm, tình thương yêu gia đình, họ hàng bè bạn. Truyền thống đoàn kết các dân tộc biểu hiện dưới hình thức kết bạn đồng cảnh, đồng niên được kế tiếp nhau từ đời này qua đời khác, tạo thành một sợi dây bền chặt kết thành một khối vững chắc không một kẻ thù nào lay chuyển nổi.

Nhân dân các dân tộc Nguyên Bình từ xưa đã có truyền thống văn hoá lâu đời. Nghệ thuật thêu thùa, trang sức đã thể hiện được trình độ thẩm mỹ, óc sáng tạo của dân tộc Dao. Bằng lao động và đấu tranh, đồng bào đã tự xây dựng nền văn hoá dân gian phong phú, đặc sắc của từng dân tộc. Về văn hoá tinh thần, Nhân dân các dân tộc Nguyên Bình luôn giữ vững và phát huy bản sắc dân tộc. Tiếng khèn, điệu múa của dân tộc Mông, cây đàn tính của dân tộc Tày, những giai điệu lượn của các dân tộc Nùng, Dao... đã hoà quyện vào cuộc sống cộng đồng giữa các dân tộc, tạo nên sức mạnh phi thường, giúp họ vượt qua mọi khó khăn trong lao động sản xuất, chống giặc ngoại xâm.

Địa thế, núi rừng Nguyên Bình hiểm trở, có nhiều núi cao tạo thành những thung lũng sâu, hẻo lánh, kín đáo, đã để lại những di tích lịch sử từ xa xưa như: Thành nhà Mạc (năm 1593) tại vùng Lũng Tàn, xã Minh Tâm thuộc khu rừng núi đá Lam Sơn. Trên mảnh đất lịch sử này cũng đã diễn ra không biết bao nhiêu cuộc xung đột giữa các thế lực phong kiến giành giật tài nguyên khoáng sản, làm cho biết bao người dân, người lính ngã xuống, nay còn để lại dấu vết đèo Kéo Thai tại xã Tam Kim, đó là mốc bia vô hình ngàn đời lưu truyền trong dân. Ý thức tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết dân tộc trong đấu tranh dựng nước và giữ nước ngày càng được hun đúc, tôi luyện kết tinh thành truyền thống vẻ vang.

Cuối thế kỷ XIX, chế độ nhà Nguyễn suy tàn, giặc giã, thổ phỉ nổi lên cướp bóc. Các thủ lĩnh địa phương tiêu biểu là Hoàng A Cả[1] đã tập hợp Nhân dân đánh tan giặc Cò đen do tướng Ngô Côn cầm đầu, bảo vệ tài sản, tính mạng của Nhân dân. Khi thực dân Pháp đánh chiếm châu Nguyên Bình cuối năm 1886, Hoàng A Cả đã tập hợp nhân dân các dân tộc đánh trả quyêt liệt, nhiều trận giao tranh diễn ra chặn đánh cuộc tiến quân của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Sau khi đánh chiếm xong Nguyên Bình, thực dân Pháp đánh chiếm mỏ thiếc Tĩnh Túc; đàn áp phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân. Mâu thuẫn dân tộc với thực dân Pháp ngày càng sâu sắc đã làm nổ ra cuộc bao vây binh lính Pháp tại phố Nguyên Bình năm 1905, do Phù Nhị (dân tộc Dao) người xã Thái Học chỉ huy, làm cho thực dân Pháp hoang mang lo sợ. Do lực lượng không tương quan, cuộc tấn công bị thất bại nhưng đã thể hiện được tinh thần yêu nước, quyết tâm chống giặc ngoại xâm của đồng bào dân tộc quê hương Nguyên Bình.

Trong những năm đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân ta lại bùng lên, phát triển và lan rộng ra cả nước dưới ngọn cờ của các sĩ phu yêu nước như cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Chu Trinh.

Nhân dân các dân tộc Cao Bằng nói chung và Nguyên Bình nói riêng đã tiếp thu trào lưu cách mạng trong nước do các đồng chí Hoàng Đình Giong và Ninh Văn Phan tổ chức, bắt đầu chớm nở ở mỏ Tĩnh Túc trong những năm 1927 - 1928, từ đó dần dần lan toả ra các vùng trong huyện, tạo thành đường dây liên lạc giữa công nhân mỏ và các dân tộc Nguyên Bình với tỉnh và cả nước, sau này thổi bùng ngọn lửa cách mạng dân tộc. Đó là thời kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

              Trích: Lịch sử đảng bộ huyện Nguyên Bình (1930-2010)

 

 

[1] Ông nội của đồng chí Hoàng Đình Giong.

TIN MỚI
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập