Điều kiện kinh tế xã hội

I. Thực trạng về kinh tế

1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Cơ cấu kinh tế trong những năm qua của huyện Nguyên Bình theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ (Thương mại - Du lịch), Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

2.  Sản xuất nông nghiệp:

Nền nông nghiệp của huyện chủ yếu là độc canh cây lương thực, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chính của huyện, nguồn thu nhập chính của đại bộ phận dân cư trong huyện. Trong những năm qua dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện, ngành nông nghiệp đã có những chuyển biến rõ nét và thu được kết quả nhất định. Sản xuất nông nghiệp của huyện có sự phát triển đáng kể, bước đầu thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất tập trung, thâm canh tăng năng xuất.

Thành phần tham gia sản xuất nông nghiệp gồm: Nhà nước hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, hộ gia đình là người trực tiếp sản xuất.

Áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp: Đã đạt được một số tiến bộ về giống nên giá trị sản xuất nông nghiệp có nâng lên, đặc biệt là giá trị sản xuất từ cây dong giềng, cây mía, cây thuốc lá. Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng đã và đang dần phát triển, tuy nhiên do điều kiện địa hình, kinh tế  khó khăn nên việc cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp chưa được phổ biến.

- Về trồng trọt:

Từ năm 2015 đến năm 2017: Diện tích canh tác ổn định và tổng sản lượng lương thực tăng 15,4% như sau: Năm 2015, tổng sản lượng lương thực đạt 18.309,35 tấn; năm 2017, tổng sản lượng lương thực đạt 21.137,62 tấn.

          Sản phẩm chủ yếu từ các loại cây trồng qua các năm như sau: Cây lúa năm 2015 sản lượng thu được là 9.086,14 tấn, năm 2017 là 10.271,72 tấn (tăng); cây ngô năm 2015 sản lượng thu được là 9.223,21 tấn, năm 2017 là 10.865,9 tấn (tăng); cây thuốc lá năm 2015 sản lượng thu được là 251,58 tấn, năm 2017 là 308,9 tấn (tăng); cây dong giềng, năm 2015 sản lượng thu được là 8.685,70 tấn, năm 2017 là 19.131,6 tấn (tăng); cây đỗ tương, năm 2015 sản lượng thu được là 448,76 tấn, năm 2017 là 214,95 tấn (giảm, nguyên nhân: do đầu ra không ổn định).

- Về chăn nuôi:

Những năm gần đây, chăn nuôi đại gia sức được chú trọng; chăn nuôi lợn, gia cầm cũng được quan tâm phát triển. Ở nhiều xã, chăn nuôi gia cầm cũng có nhiều tiến bộ, song cơ cấu giống gia súc, gia cầm vẫn chủ yếu là giống cũ của địa phương. Chăn nuôi ở nhiều vùng vẫn còn duy trì theo phương thức thả rông, ít được đầu tư, do vậy năng suất thấp, dịch bệnh cũng dễ lây lan, khó kiểm soát, ngăn chặn.

Theo số liệu thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm năm 2015 có 65.561 con, đến năm 2017 có 216.047 con tăng 229,5%, trong đó: Tổng đàn trâu năm 2015 có 10.526 con, đến năm 2017 có 11.145 con, tăng 5,8 %; tổng đàn bò năm 2015 11.851 con, đến năm 2017 có 11. 279 con giảm 4,8% (nguyên nhân tổng đàn bò giảm do người dân chuyển đổi sử dụng máy nông nghiệp tăng năng suất lao động); tổng đàn gia cầm năm 2015 có 13.184 con, đến năm 2017 là 155.213 con, tăng 1.077,3%.

          -  Nuôi trồng thủy sản:

          Do điều kiện tự nhiên của huyện không thuận lợi nên việc nuôi trồng thủy sản trong những năm qua chưa phát triển và tỷ trọng chưa đáng kể trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Đến nay mới có gần 40,5 ha ao, hồ chủ yếu ở các xã Tam Kim, Minh Tâm, Thị trấn Nguyên Bình, Minh Thanh, một số ít còn lại ở các Lang Môn, Bắc Hợp, Thể Dục, Quang Thành. Tình hình sản xuất nhỏ lẻ chưa có đầu tư lớn và chưa coi trọng kỹ thuật, nên hiệu quả chưa cao, sản phẩm chưa trở thành hàng hóa, chủ yếu để cải thiện đời sống, tự cung tự cấp.

          - Sản xuất lâm nghiệp:

          Công tác quy hoạch, quản lý, bảo vệ rừng được các cấp ủy, chính quyền và các ngành quan tâm thực hiện tốt,đã thu hút được các nhà đầu tư tham gia khai thác và trồng rừng kinh tế, 5 năm gần đây trồng được khoảng >9000 ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 64%. Trong những năm qua rừng đã được phục hồi và phát triển, thảm thực vật khá phong phú nhưng tỷ lệ các nhóm gỗ quý như lát, nghiến còn rất ít. Việc phát triển kinh tế rừng còn hạn chế.

          Tóm lại: Trong những năm qua ngành kinh tế nông, lâm nghiệp huyện Nguyên Bình đã có những thành công nhất định qua các năm sản xuất nông, lâm nghiệp được tăng lên. Tuy nhiên, huyện Nguyên Bình vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế nhất định như: Trình độ dân trí thấp, địa hình hoạt động phức tạp, khó khăn về nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất, phương thức sản xuất lạc hậu, qui mô sản xuất nhỏ lẻ chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và khai thác tiềm năng nông nghiệp của huyện. Để đạt được mục tiêu kinh tế của huyện giai đoạn 2018 - 2020 trong cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp của huyện cần phải thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thâm canh tăng năng xuất và tăng khối lượng hàng hóa (cây công nghiệp và chăn nuôi).

3  Sản xuất Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và Xây dựng:
     
Ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Nguyên Bình trong những năm qua đã có những bước phát triển quan trọng, quản lý tốt quá trình khai thác khoáng sản trên địa bàn, đẩy mạnh sản xuất, khai thác vật liệu xây dựng. Chú ý phát triển các ngành, nghề truyền thống như: nghề mộc, rèn, đúc, xây, sửa chữa máy móc…. Định hướng sản xuất theo phương thức hợp tác, hợp tác xã. Từng bước áp dụng công nghệ tiến bộ vào trong quá trình sản xuất. Chú trọng phát triển doanh nghiệp tư nhân trên mọi lĩnh vực góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, cụ thể:

- Công nghiệp: Trong những năm qua ngành công nghiệp của huyện Nguyên Bình đã có những bước phát triển, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương như: Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản thiếc tại thị trấn Tĩnh Túc, khai thác và chế biến chì kẽm của Hợp tác xã Thanh Kỳ tại xã Phan Thanh và các điểm khai thác đá xây dựng, với tổng công suất 59.000 m3/năm (Khai thác đá tập trung ở xã Lang Môn 3 cơ sở (18.000 m3/năm), Thị trấn Nguyên Bình 2 cơ sở 17.000 m3/năm; Các xã Hoa Thám, Vũ Nông, Minh Tâm, Tam Kim, Thành Công có các cở sở khai thác đá xây dựng với quy mô nhỏ 2.000- 5.000 m3/năm).

- Về thủ công nghiệp: Trên địa bàn huyện đã hình thành một số cơ sở tiểu thủ công nghiệp chế biến, cơ sở sản xuất trang phục, cơ sở sản xuất chế biến dong giềng, chế biến đồ mộc, chế tạo công cụ, sản xuất gạch ngói... Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp của huyện hầu như ít phát triển. Hàng hoá do các cơ sở tiểu thủ công nghiệp sản xuất ra chủ yếu phục vụ cho nhân dân địa phương, chưa có thị trường rộng tiêu thụ. Do thiếu đầu tư nên năng suất thấp, giá thành cao, không thu hút được thị trường và khả năng cung cấp tới các thị trường bị hạn chế.

- Xây dựng cơ bản: Trong những năm qua được sự đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình 133 - 135, Chương trình 134, Chương trình 186, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách trung ương... đã đầu tư xây dựng và chủ yếu tập trung vào các công trình như: Đường giao thông, lưới điện hạ thế, trường học, trạm xá, mương thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt... Các nguồn vốn ngân sách tập trung, nguồn vốn khác của các ngành đầu tư tại Nguyên Bình tập trung cho các công trình điện, trụ sở làm việc.

Đến nay 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, đảm bảo phục vụ chuyên chở hàng hóa và đi lại của nhân dân trên địa bàn, có 03 xã chưa được cứng hóa mặt đường đến trung tâm xã, gồm có: xã Bắc Hợp, xã Hưng Đạo; xã Mai Long. Có 186 xóm có đường ô tô đến trung tâm xóm bằng 88,6%/tổng số xóm; có 16 xóm có đường xe máy đến trung tâm xóm bằng 7,6%/tổng số xóm; còn 8 xóm đi bộ theo đường mòn bằng 3,8%/tổng số xóm. Số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định của Bộ giao thông vận tải đạt 17/20 xã, tỷ lệ 85%/tổng số xã. Số thôn, bản có đường trục giao thông đến trung tâm xóm 202/210 xóm, tỷ lệ 96,2%/tổng số xóm.

Kết cấu hạ tầng, đầu tư phát triển, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Đẩy mạnh công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị tại thị trấn Nguyên Bình và thị trấn Tĩnh Túc. Tổ chức Lễ Công bố quy hoạch xây dựng khu Phia Oắc – Phia Đén; lập quy hoạch chi tiết khu du lịch nghỉ dưỡng Phia Oắc – Phia Đén. Hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch Đồ án mở rộng quy hoạch chung thị trấn Nguyên Bình giai đoạn 2017 – 2025, tầm nhìn 2035; trình UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch cục bộ khu trung tâm thị trấn Nguyên Bình.

4. Thương mại, dịch vụ - du lịch:

Hoạt động thương mại, dịch vụ luôn giữ ở mức độ ổn định về cung - cầu, giá cả một số mặt hàng có biến động tăng, giảm theo diễn biến chung của thị trường nhưng không ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân  dân. Các mặt hàng thiết yếu vẫn luôn đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của nhân dân. Hiện nay trên địa bàn huyện 5/20 xã, thị trấn có chợ, diện tích vẫn còn nhỏ hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng, một số ki ốt bán hàng chỉ tạm bợ, huyện chưa có nguồn vốn đầu tư xây dựng  để nâng cấp, mở rộng đảm bảo cho việc kinh doanh dịch vụ thương mại và giao lưu trao đổi hàng hóa của người dân. Huyện đã thực hiện tốt các công tác kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng kinh doanh trên các lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký kinh doanh, kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm hành chính. Do vậy, đã hạn chế được các hiện tượng kinh doanh, buôn bán trái phép trên địa bàn.

Các hoạt động dịch vụ bưu chính, viễn thông, vận tải cơ bản phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Dịch vụ vận tải không ngừng phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân. Dịch vụ bưu chính - viễn thông tiếp tục tăng trưởng nhanh cả về số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thông tin liên lạc của nhân dân. Các dịch vụ văn hóa giải trí, nhà hàng, khách sạn tiếp tục được phát triển.

Du lịch là ngành kinh tế có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của huyện, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, du lịch ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày của người dân cũng như phục vụ cho nhu cầu giao lưu, tìm hiểu các nền văn hóa khu vực, thế giới. Trong những năm qua mạng lưới du lịch tỉnh Cao Bằng nói chung và huyện Nguyên Bình nói riêng đã phát triển khá nhanh và đóng góp một phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân về du lịch, dịch vụ, tham quan nghỉ dưỡng…cũng như số lượng các điểm kinh doanh trên địa bàn ngày càng tăng.

Thiên nhiên đã ban tặng cho huyện Nguyên Bình khu du lịch sinh thái Phia Oắc – Phia Đén, hiện nay đã được công nhận là Vườn quốc gia và nhiều di tích lịch sử điển hình là 4 khu di tích lịch sử cấp Quốc gia: Hang Kéo Quảng xã Minh Tâm, Khu rừng Trần Hưng Đạo và Đồn Phai Khắt xã Tam Kim, Đồn Nà Ngần xã Hoa Thám có tiềm năng lớn về khai thác du lịch. Trong những năm tới huyện tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhiều loại hình dịch vụ nhằm phục vụ cho phát triển du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại – dịch vụ.

           II. Thực trạng phát triển các lĩnh vực xã hội.

       1. Giáo dục và Đào tạo:

          Ngành giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tiến bộ, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, cơ sở vật chất phục vụ cho sự nghiệp giáo dục được đầu tư ngày càng nhiều cả về số lượng và chất lượng. Số trẻ trong độ tuổi đi học được huy động ra lớp đạt 95% trở lên; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các bậc học và thi đỗ vào các trường Cao đẳng, Đại học ngày càng tăng; tỷ lệ học sinh được lên lớp qua các năm tđều đạt 95,6% trở lên.

          Giáo dục và đào tạo có bước chuyển biến tích cực do triển khai sau rộng phong trào xây dựng xã hội học tập, hệ thống trường học phủ khắp 20 xã, thị trấn với đủ các cấp học, ngành học từ mầm non đến THPT cơ sở đáp ứng nhu cầu học tạp của con em địa phương. Toàn huyện có 61 trường học, trong đó: 02 trường mầm non, 17 trường mẫu giáo, 20 trường tiểu học, 01 trường PTCS, 15 trường THCS, 01 trường Dân tộc nội trú, 03 trường THPT, 01 trường TTGDNN-GDTX, ngoài ra còn có 20 Trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, thị trấn.

          Công tác phổ cập giáo dục: Duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi 20/20 xã, thị trấn. Huyện được công nhận duy trì đạt chuẩn phổ cập GDMNTNT. Phổ cập giáo dục tiểu học: đạt chuẩn PCGDTH Trong đó có 1/20 xã, thị trấn đạt mức độ 2; mức độ 3: 19/20 xã, thị trấn, huyện được công nhận đạt chuẩn mức độ 3.  Phổ cập giáo dục THCS: đạt chuẩn PCTHCS, trong đó mức độ 1: 7/20 xã, thị trấn , mức độ 2: 11/20 xã, thị trấn, chuẩn mức độ 3: 2/20 xã, thị trấn, huyện được công nhận đạt chuẩn mức độ 1.  Xóa mù chữ: Cập nhật hồ sơ, phần mềm theo quy định, đạt chuẩn XMC mức độ 1: 7/20 xã, thị trấn, mức độ 2: 13/20 xã, thị trấn.

          Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia: được các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể xã hội quan tâm; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đã đạt được kết quả nhất định, mỗi năm tăng 01 trường, đạt chỉ tiêu tỉnh giao, có tác dụng thiết thực trong việc tăng cường các điều kiện dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

          Cơ sở vật chất tuy đã được tăng cường song vẫn còn rất khó khăn. Đến nay trên địa bàn toàn huyện vẫn còn lớp  tạm, thiếu phòng học chủ yếu là ở các điểm trường thuộc vùng sâu, vùng sa cần được đầu tư kiên cố theo tiêu chí trường đạt chuẩn Quốc gia. Đa số các trường diện tích chật hẹp, không có mặt bằng mở rộng thêm để xây dựng

       2.  Y tế:

          Toàn huyện có 02 Bệnh viện đa khoa (Bệnh viện đa khoa Nguyên Bình và Bệnh viện đa khoa Tĩnh Túc) hai bệnh viện những năm gần đây đã được đầu tư sửa chữa nâng cấp cơ bản đáp ứng công tác khám chữa bệnh, do địa bàn rộng và đi lại khó khăn huyện đặt thêm 2 Phòng khám đa khoa khu vực (phòng khám đa khoa Nà Bao và phòng khám đa khoa Phia Đén ) và có 20 Trạm y tế các xã,thị trấn. Về cơ sở vật chất nhà trạm và phòng khám đa khoa khu vực nhìn chung đều xuống cấp, trang thiết bị phục vụ cho công tác khám chữa bệnh còn thiếu.

          Các chương trình mục tiêu về y tế được triển khai thực hiện tốt; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vác xin đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Hằng năm thực hiện chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng được 0,2 % đạt 100% kế hoạch, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm xuống còn 15,7%; giảm tỷ suất sinh 0,15 % đạt 100 % kế hoạch. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm, uống đủ liều vác xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đạt 95%; 100% số trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ Bảo hiểm y tế.

          Xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, đến nay có đã có 07 xã đạt chỉ tiêu. Công tác thực hiện tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế xã gặp nhiều khó khăn do không có nguồn vốn để xây dựng nhà trạm, nên năm 2017 không đạt chỉ tiêu này, năm 2018 cũng chưa được xây dựng.

          Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: năm 2014 đạt 2%,năm 2015 giảm xuống 1%, năm 2016 tăng lên 3%.

          Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế đạt khoảng 95%.

          Huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân thực hiện lối sống hợp vệ sinh, hàng năm xây dựng phương án về chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân, cung cấp thuốc, trang thiết bị để dập dịch bệnh kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra, tổ chức tiêm chủng mở rộng, đúng kế hoạch.

          Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đáp ứng một phần cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Thường xuyên tổ chức các lớp học tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, thái đội phục vụ người bệnh của đội ngũ Y , Bác sỹ toàn ngành, tổ chức có hiệu quả chương trình y tế cộng đồng, chương trình y tế quốc gia triển khai trên địa bàn huyện, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, ...

       3.  Về dân số - kế hoạch hóa gia đình:        

          Trong những năm qua, công tác dân số KHHGĐ đã triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả, các chính sách về Dân số - kế hoạch hóa gia đình được quan tâm và thực hiện bằng nhiều hình thức, đã triển khai hiệu quả chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến tận các xã vùng sâu, vùng xa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, công tác giảm nghèo... nhưng do huyện Nguyên Bình là huyện miền núi, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao, nhận thức của người dân về công tác dân số còn hạn chế, công tác tuyên truyền chưa được sâu rộng cho nên vẫn còn tảo hôn, sinh con thứ 3.

4. Văn hóa - thông tin và thể thao:

Chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt tuyên truyền về Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Định hướng tư tưởng, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Tổ chức thành công Hội xuân cấp huyện lần thứ nhất và chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức Hội xuân hằng năm đảm bảo không khí vui tươi, phấn khởi cho Nhân dân.  Xây dựng Chương trình phát triển nông, lâm nghiệp và dịch vụ, du lịch Phia Oắc – Phia Đén giai đoạn 2015 - 2020; Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; Đề án phát triển du lịch của huyện; Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang, UBND các xã, thị trấn thành lập đội văn nghệ quần chúng và thành lập Phân chi hội bản tồn dân ca các dân tộc; Ban hành kế hoạch hoạt động Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" huyện, chỉ đạo việc bình xét các danh hiệu văn hoá đảm bảo đúng thời gian và có chất lượng. Trong giai đoạn 2015 – 2017 có 01 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (xã Minh Tâm); 44 xóm, tổ dân phố được công nhận là xóm đạt tiêu chuẩn văn hóa, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa 3 liên tục; 138 cơ quan đạt danh hiệu văn hóa 2 năm 2016 – 2017; 48 gia đình văn hóa tiêu biểu, toàn huyện có 163/210 xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa; 08/20 xã, thị trấn có nhà văn hóa xã.

          Chỉ đạo thực hiện tốt công tác phục vụ bạn đọc, từ năm 2015 đến nay có 18.529 lượt độc giả đến thư viện đọc sách, báo và truy cập Internet; cấp mới được 164 thẻ bạn đọc; giới thiệu sách mới cho độc giả được 135 lượt; xử lý được 2.647 cuốn sách theo khung phân loại, luân chuyển sách, báo xuống cơ sở được 1.900 bản.

Thực hiện tốt công tác bảo vệ, vệ sinh khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo; Tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc sinh sống trên địa bàn các xã tại khu di tích danh lam thắng cảnh Phia Oắc – Phia Đén thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Trong những năm đầu nhiệm kỳ đã thu hút trên 38.000 lượt khách đến tham quan tại khu danh lam thắng cảnh Phia Oắc – Phia Đén và khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo.

Truyền thanh - Truyền hình, chủ động bám sát nhiệm vụ trọng tâm của huyện để tuyên truyền, thông tin tuyên truyền các sự kiện nổi bật, các hoạt động của các cấp, các ngành, các cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội  hàng năm. Đưa tin các hoạt động của các cấp, các ngành như: Thăm, tặng quà các gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, các hộ nghèo; thăm, tặng quà trong dịp tết; công tác phòng trừ sâu bệnh cho hoa màu, phòng chống dịch bệnh cho người, gia súc, gia cầm; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, bình ổn giá cả các mặt hàng nhân dịp tết Nguyên đán; công tác phòng chống thiên tai, khắc phục bão lũ; đẩy mạnh tuyên tuyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

TIN MỚI
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập