Khai thác tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển và liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng, tạo ra chuỗi giá trị đã và đang mở ra hướng đi mới trên địa bàn huyện Nguyên Bình, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế, giảm nghèo, ổn định đời sống người dân.
Cây quế tại xã Vũ Minh (Nguyên Bình) sinh trưởng, phát triển tốt.
Với thảm thực vật phong phú, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây, huyện Nguyên Bình có tiềm năng phát triển các loại cây dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại như: sâm, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, ú tầu, tam thất, hà thủ ô, gừng, nghệ, giảo cổ lam, quế, ba kích, sâm đỏ, dứa dại, sa nhân, thảo quả... Để biến tiềm năng thành lợi thế phát triển cây dược liệu bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế, Huyện ủy Nguyên Bình triển khai Chương trình số 08-CTr/HU ngày 30/12/2020 về phát triển cây quế và cây dược liệu dưới tán rừng, giai đoạn 2020 - 2025. Huyện chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, huy động tối đa nguồn lực lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ nhân dân trồng, chăm sóc cây dược liệu đặc hữu; xây dựng mô hình thí điểm trồng một số loài dược liệu có giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện.
Tại xã Vũ Minh, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định quế là một trong những cây dược liệu cần tập trung đầu tư có trọng điểm theo hướng hình thành vùng sản xuất dược liệu gắn với liên kết tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm. Phó Bí thư Đảng ủy xã Vũ Minh Đinh Văn Ân cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã xác định cây trồng, vật nuôi thế mạnh cần tập trung ưu tiên phát triển giai đoạn 2020 - 2025, trong đó có cây quế. Theo đó, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo các xóm: Nà Khoang, Đoàn Kết, Vũ Ngược, Tân Thịnh… trồng cây theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đến nay trồng mới 34,66 ha quế. Tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ, chăm sóc cây trồng, thực hiện các cam kết tiêu thụ sản phẩm.
Gia đình ông Hà Văn Thuyên, xóm Vũ Ngược, xã Vũ Minh cải tạo đất đồi trồng 0,9 ha cây quế. Từ năm 2020 đến nay, sau hơn 2 năm trồng quế, hiện cây trồng đang phát triển tốt, có một số diện tích cây mọc gần 2 m. Qua tìm hiểu được biết, quế là loài cây đa tác dụng và có giá trị kinh tế cao. Vỏ và quả quế dùng làm thuốc, lá và vỏ khô cho tinh dầu, làm gia vị, gỗ dùng trong xây dựng và làm đồ dùng gia đình. Trồng cây quế còn có tác dụng cải tạo đất, nhất là đối với đất bạc màu, đất dốc, đất trồng, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, gắn mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với việc bảo vệ rừng, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập. Hiện, gia đình ông Thuyên tích cực chăm sóc cây trồng theo quy trình kỹ thuật, thường xuyên phát quang cỏ dại để cây phát triển ổn định. Tuy nhiên, đây là loại cây lâu năm, mật độ và khoảng cách trồng quế của một số hộ dân ở đây hơi dầy, vì vậy khoảng 2 - 3 năm nữa gia đình sẽ khai thác tỉa thưa, tận thu bán sản phẩm cho thị trường.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyên Bình Hoàng Thị Hòa chia sẻ: Hiện nay, có một số đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ cung ứng giống cho bà con, điển hình như Công ty DACE, Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Ngân Hà cung ứng giống quế và một số loài dược liệu cho bà con trồng tập trung, phát triển diện tích một số loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Đến nay, toàn huyện trồng hơn 1.012 ha cây dược liệu, gồm: 279 ha sâm, 525 ha tam thất, 86,3 ha sa nhân tím, 50 ha ấu tầu, 50,3 ha dổi ghép, 5 ha cát sâm và 1.596,6 ha quế trồng tại các xã: Hoa Thám, Vũ Minh, Thịnh Vượng, Triệu Nguyên, Ca Thành, Mai Long, Yên Lạc…
Để phát huy hiệu quả “kép” trong phát triển cây dược liệu, thời gian tới, huyện Nguyên Bình tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các xã trong vùng nguyên liệu hoàn thành kế hoạch trồng quế và cây dược liệu dưới tán rừng. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan triển khai, tổ chức hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, lồng ghép việc trồng và phát triển cây quế, cây dược liệu với các nguồn lực, các chương trình mục tiêu quốc gia. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn liên quan phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp trong việc thực hiện liên doanh, liên kết với người dân trồng và phát triển cây quế, cây dược liệu trên địa bàn huyện...
Nguồn: BCB