Làng cổ Hoài Khao – Vẹn nguyên bản sắc văn hóa người Dao tiền ​

 

Cách Di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo khoảng 20 km, có một ngôi làng cổ nằm nép mình yên bình bên sườn đồi uốn lượn. Với mái ngói âm dương rêu phong, cổ kính, với những nếp nhà gỗ xưa trầm mặc, làng cổ Hoài Khao đưa du khách bước vào không gian văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao tiền.

anh tin bai

           Toàn cảnh Làng Hoài Khao (Quang Thành)

Với 35 hộ dân và 167 nhân khẩu, cộng đồng dân tộc Dao tiền tại Làng cổ Hoài Khao xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng sống đoàn kết, yêu thương và gắn bó với nhau. Đời truyền đời, người truyền người qua rất nhiều thế hệ, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Dao tiền được người Hoài Khao nâng niu, gìn giữ và truyền thừa.

anh tin bai

          Đến với Hoài Khao vào những ngày tháng bảy khi thời tiết bất chợt nắng, bất chợt mưa, khi bà con người Dao vừa hoàn thành việc cấy lúa vụ hè thu, du khách sẽ được chiêm ngưỡng màu xanh mướt của những cây lúa non mới trút màu lá mạ, chiêm ngưỡng màu vàng của những sàn phơi đầy ngô mới được bà con thu về… Dưới ánh hoàng hôn của núi rừng xanh thẳm, từng đàn trâu lững thững gọi nhau về với chiếc bụng đã căng tròn cỏ tươi và lá rừng, kết thúc một ngày làm việc trên nương bà con trong làng lại nhóm bếp lò đun nấu, khói bếp lan tỏa, ánh lửa bập bùng tạo nên một bức tranh cuộc sống vùng cao hiền hòa, ấm áp.

anh tin bai

Nằm trong quần thể vườn quốc gia Phja Oắc – Phja Đén, Làng cổ Hoài Khao bình dị như những con người nơi đây. Từ bao đời nay, đồng bào dân tộc Dao tiền vẫn giữ nguyên những nét đặc sắc trong văn hóa bản địa được cha ông gìn giữ và trao truyền. Người dân trong bản vẫn tiếp tục sống, sinh hoạt và canh tác quây quần trên mảnh đất Hoài Khao yêu thương. Họ vẫn tiếp tục sản xuất nông nghiệp theo cách mà cha ông để lại, hằng ngày phụ nữ trong bản vẫn mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Trên nền màu chàm giản dị những hoa văn tinh tế được người phụ nữ Dao tiền thêu lên khéo léo bằng những sợi chỉ màu rực rỡ và tinh tế, nét chấm bằng sáp ong tạo nên những hình hoa văn đặc biệt không thể trộn lẫn với bất kỳ dân tộc nào khác. Đôi bàn tay thô ráp do quanh năm lao động, cày cấy mùa màng và cũng chính đôi bàn tay ấy tạo nên những họa tiết, hoa văn đẹp đến nao lòng người. Những ai được theo dõi quá trình dệt vải, tạo hoa văn bằng kỹ thuật vẽ sáp ong, chiêm ngưỡng và chạm vào những hoa văn, thổ cẩm mới thấy thật khâm phục những người phụ nữ Dao tiền ở bản vùng cao Hoài Khao. Họ lặng lẽ sống, canh tác, sản xuất nông nghiệp và cùng dệt nên những tác phẩm nghệ thuật trên trang phục bằng tất cả sự dịu dàng, khéo léo được truyền thừa từ những thế hệ đi trước.

anh tin bai

Hằng năm từ tháng 6 cho đến tháng 8 âm lịch, tùy vào điều kiện tự nhiên và sự di cư của đàn ong đá tại bản cổ Hoài Khao, bà con trong bản lại nô nức cùng nhau làm lễ cảm tạ thần ong và rước sáp ong về bản. Thành quả sau khi hoàn thành việc nấu sáp sẽ được chia đều cho các hộ gia đình trong bản. Nghe người già trong bản dạy lại: chỉ những thanh niên chưa lập gia đình, khỏe mạnh, không vướng thói hư tật xấu mới được phép vào hang ong để làm lễ. Trong quá trình thực hiện nghi lễ và thu hoạch sáp ong không được nói to, cãi cọ nhau vì như vậy ong sẽ giận và bỏ đi không quay về làm tổ tại hang vào những năm sau nữa. Với mong muốn gìn giữ, tôn vinh và phát triển nghệ thuật tạo hoa văn truyền thống của đồng bào dân tộc Dao tiền, tạo điều kiện để du khách có dịp chứng kiến và chiêm ngưỡng nghi lễ thu hoạch sáp ong truyền thống, theo dõi quá trình nấu sáp và tạo hoa văn trên vải bằng sáp ong của đồng bào dân tộc Dao tiền, từ ngày 17 đến ngày 21 tháng 7 năm 2024, UBND huyện Nguyên Bình tổ chức Lễ hội thu hoạch sáp ong đá Làng cổ Hoài Khao, xã Quang Thành. Trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra các hoạt động: Nghi lễ thu hoạch sáp ong, nấu sáp ong, thi tạo hoa văn bằng sáp ong trên vải, thi trưng bày sản phẩm nông sản và các sản vật địa phương, thi hát dân ca, các trò chơi dân gian, thi bắt cá chép ruộng… Đến với Hoài Khao, tại các homestay của người dân bản địa, bên ánh lửa bập bùng du khách sẽ được nghe người Hoài Khao kể về sự tích tên làng (Hoài Khao theo phiên âm tiếng địa phương được dịch ra là Làng Trâu trắng), được nếm thử các món ăn dân giã của người dân với các loại rau và măng rừng, ốc núi đá, được trải nghiệm việc tự tay tạo hoa văn bằng sáp ong…Chắc chắn rằng bản Hoài Khao bình dị luôn khiến chúng ta say đắm, níu bước chân du khách bằng sự yên bình và đặc sắc trong ẩm thực và văn hóa truyền thống bản địa./.

                        Hoàng Hương

                     Giám đốc Trung tâm VH&TT huyện Nguyên Bình

          

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập